Quy trình chỉ định thầu thông thường theo pháp luật hiện hành được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu
Công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu rất quan trọng. Chính vì vậy, việc tuân thủ các quy định của pháp luật là điều cần thiết. Khoản 1 Điều 55 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định như sau:
1. Lập hồ sơ yêu cầu
Khi lập hồ sơ yêu cầu phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này, bao gồm:
– Quyết định phê duyệt dự án hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án, quyết định phê duyệt dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên và các tài liệu liên quan.
Đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án thì căn cứ theo quyết định của người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư;
– Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt;
– Tài liệu về thiết kế kèm theo dự toán được duyệt đối với gói thầu xây lắp; yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật đối với hàng hóa (nếu có);
– Các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan; điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (nếu có) đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi;
– Các chính sách của Nhà nước về thuế, phí, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu và các quy định khác liên quan.
Nội dung hồ sơ yêu cầu bao gồm các thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất; tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và xác định giá chỉ định thầu. Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật;
2. Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu
Hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt. Nội dung thẩm định bao gồm:
- Kiểm tra các tài liệu là căn cứ để lập hồ sơ yêu cầu;
- Kiểm tra sự phù hợp về nội dung của hồ sơ yêu cầu;
- Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa tổ chức, cá nhân tham gia lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Các nội dung liên quan khác.
Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu.
3. Xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu
Nhà thầu được xác định để nhận hồ sơ yêu cầu khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;
– Hạch toán tài chính độc lập;
– Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;
– Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
– Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;
– Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu;
– Có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu.
Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu
– Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu đã được xác định;
– Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.
Bước 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu
– Việc đánh giá hồ sơ đề xuất phải được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu.
Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tiến độ, khối lượng, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;
– Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có hồ sơ đề xuất hợp lệ;
- Có năng lực, kinh nghiệm và đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu;
- Có giá đề nghị chỉ định thầu không vượt dự toán gói thầu được duyệt.
Bước 4: Trình, thẩm định; phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu
Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia.
Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt.
Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Bước 5: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác.
Trên đây là bài viết Quy trình chỉ định thầu thông thường theo pháp luật hiện hành. Nếu có thắc mắc hay nhu cầu sử dụng dịch vụ thành lập công ty; liên hệ LawKey để được tư vấn hỗ trợ.