Ngành công nghiệp làm đẹp đang bùng nổ và mang lại khá nhiều lợi nhuận. Vì vậy thành lập thẩm mỹ viện, Spa để cung cấp dịch vụ chăm sóc sắc đẹp là xu hướng của rất nhiều nhà kinh doanh.
Ngành nghề đăng ký kinh doanh Spa, Chăm sóc sắc đẹp
Theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành nghề kinh doanh thì các mã ngành đăng ký kinh doanh liên quan đến dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (Spa) bao gồm:
9610: Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao). Chi tiết nhóm này gồm: Dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật (đánh mỡ bụng, làm thon thả thân hình…);
9631: Cắt tóc, làm đầu, gội đầu. Chi tiết nhóm này gồm:
- Cắt tóc, gội đầu, uốn, sấy, nhuộm tóc, duỗi thẳng, ép tóc và các dịch vụ làm tóc khác phục vụ cả nam và nữ; phun thêu thẩm mỹ chân mày, mắt môi
- Cắt, tỉa và cạo râu;
- Massage mặt, làm móng chân, móng tay, trang điểm…
Loại trừ: Làm tóc giả được phân vào nhóm 32900 (Sản xuất khác chưa được phân vào đâu).
Do vậy, theo quy định pháp lý nêu trên, Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (Spa) là hoạt động chăm sóc sắc đẹp không gây chảy máu, không thực hiện phẫu thuật trên cơ thể con người giống như bệnh viện hay thẩm mỹ viện.
Điều kiện kinh doanh Spa (chăm sóc sắc đẹp), Xoa bóp, massage cần đáp ứng đủ những yêu cầu sau:
Chủ thể kinh doanh cần tiến hành đăng ký kinh doanh bằng 1 trong 2 phương thức sau: Đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc đăng ký thành lập công ty, và khi đăng ký ngành nghề kinh doanh có đăng ký ngành nghề như sau:
Theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP cá nhân thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định không cần phải đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, hoạt động chuyên môn trong Spa thường bao gồm một số hoạt động thẩm mỹ và hoạt động xoa bóp (massage). Vì vậy, phụ thuộc vào phạm vi hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ Spa mà cơ sở phải ứng điều kiện điều kiện của Cơ sở dịch vụ y tế về thẩm mỹ và/hoặc Cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), phải thành lập dưới mô hình hộ kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp.
A. Điều kiện Spa phải đáp ứng nếu có hoạt động thẩm mỹ
Để thực hiện một số hoạt động thẩm mỹ, Spa phải đáp ứng điều kiện của Cơ sở dịch vụ y tế về thẩm mỹ quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP sau đây.
1. Phạm vi hoạt động:
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm
Điều kiện kinh doanh và thủ tục thành lập Spa
2. Các điều kiện phải đáp ứng:
a) Về cơ sở vật chất:
– Có địa điểm cố định;
– Bảo đảm các điều kiện vệ sinh.
b) Về thiết bị:
Có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
c) Về nhân sự:
Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
3. Lưu ý các hành vi bị cấm đối với cơ sở kinh doanh Spa:
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Thủ tục thực hiện trước khi hoạt động kinh doanh
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
B . Điều kiện Spa phải đáp ứng nếu có hoạt động xoa bóp (massage)
Hoạt động xoa bóp (massage) của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, các khách sạn có tổ chức hoạt động này trước đây được hướng dẫn và quy định điều kiện hoạt động tại Thông tư 11/2001/TT-BYT. Hoạt động xoa bóp (massage) của cả các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ, săn sóc da mặt, tẩm quất không bị điều chỉnh bởi thông tư trên.
Sau đó, hoạt động xoa bóp (massage) được quy định là dịch vụ y tế có điều kiện đối với của tất cả các cơ sở trong đó có cả các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ, săn sóc da mặt, tẩm quất tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
Nhưng hiện nay, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 109/2016/NĐ-CP đã loại bỏ hoạt động xoa bóp (massage) là cơ sở dịch vụ y tế. Vì vậy, Các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ, săn sóc da mặt, tẩm quất không còn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP nữa.
Các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ, săn sóc da mặt, tẩm quất hoạt động xoa bóp (massage) không phải xin giấy phép về chuyên môn hay thông báo về chuyên môn đối với hoạt động xoa bóp (massage). Tuy nhiên, kinh doanh hoạt động xoa bóp (massage) vẫn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Vì vậy, cơ sở Spa nếu có hoạt động xoa bóp (massage) phải được cơ quan Công An cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự.
Trên đây là nội dung Điều kiện kinh doanh và thủ tục thành lập Spa LawKey gửi đến bạn đọc. Hay liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và cung cấp dịch vụ tốt nhất.