Hiện nay, các khu nhà trọ khi xây dựng và thành lập đều cần trang bị các phương tiện chữa cháy. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý
- Luật phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi, bổ sung 2013
- Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Về đăng ký Phòng cháy chữa cháy
Trong quá trình làm thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà trọ thì đã cần phải có bản vẽ hệ thống PCCC đã được thẩm duyệt đối với công trình thuộc danh mục yêu cầu phải thẩm duyệt phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật về PCCC. Vì thế bạn cần phải đăng ký phòng cháy chữa cháy.
Điều 23 Luật Phòng cháy chữa cháy quy định về yêu cầu Phòng cháy đối với công trình cao tầng, như sau: “Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy”.
Theo khoản 9 Phụ lục II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định:
“Nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.”
Như vậy, nếu nhà trọ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thì phải đăng ký phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, theo Điều 11 Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định:
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình cao tầng, nhà khung thép mái tôn
Công trình cao tầng, nhà khung thép mái tôn là cơ sở quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, ngoài việc đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này còn phải bảo đảm các điều kiện sau:
1. Đối với công trình cao tầng có chiều cao trên 09 tầng hoặc từ 25 m trở lên:
a) Kết cấu xây dựng của nhà phải có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của nhà theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
b) Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng công cộng tập trung đông người không được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu dễ cháy.
2. Đối với nhà khung thép mái tôn có diện tích vượt quá diện tích khoang ngăn cháy theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Có giải pháp chống cháy lan bằng kết cấu xây dựng hoặc hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
b) Có giải pháp tăng giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng chủ yếu theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy nhằm hạn chế nguy cơ sụp đổ khi xảy ra cháy.
Về mức phạt nếu vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy
Nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) sẽ bị xử phạt theo Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau:
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình thi công, xây dựng công trình;
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế hệ thống PCCC đối với công trình thuộc diện phải có thiết kế về PCCC;
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng không đảm bảo một trong các điều kiện về an toàn PCCC đối với công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC;
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Thi công, lắp đặt không đúng theo thiết kế về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt; Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC; Chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
7. Buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều này; Buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.
Trên đây là tư vấn của luật LawKey về nội dung Đăng ký phòng cháy, chữa cháy đối với nhà trọ cho thuê. Nếu quý khách còn bất kì thắc mắc hay nhu cầu sử dụng dịch vụ xin giấy phép kinh doanh; vui lòng liên hệ LawKey để được tư vấn hỗ trợ thêm.