Khi mục đích xác lập hợp đồng không đạt được hoặc một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng khiến việc thực hiện thỏa thuận trong hợp đồng không thể thực hiện, các bên có thể tiến hành đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Quy định pháp luật
Đơn phương chấm dứt hợp đồng được quy định tại Điều 428 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2.Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3.Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
4.Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
5.Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng”.
Bình luận quy định
Khác với trường hợp hủy bỏ hợp đồng, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể được một trong các bên thực hiện khi:
– Khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng;
– Do các bên thỏa thuận về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng;
– Do pháp luật quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể do sự vi phạm hợp đồng của một bên hoặc là ý chí chủ quan của bên thực hiện quyền đơn phương, không muốn tiếp tục tham gia hợp đồng. Đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại Khoản 1 của Điều Luật thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại. Và theo căn cứ tại Khoản 5 tại Điều luật, những trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng khác so với các trường hợp tại Khoản 1 này thì được coi là vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Lúc đó được hiểu bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không phải đang thực hiện quyền đơn phương của mình mà là bên vi phạm nghĩa vụ dân sự.
Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đây là quy định bắt buộc, giống với hủy bỏ hợp đồng, theo đó bên đơn phương phải thông báo ngay cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng. Theo quy định này, việc chấm dứt hợp đồng do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý kể cả khi có hoặc không có thông báo cho bên kia, việc không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia thì chỉ phải bồi thường chứ không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng.
Thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm chấm dứt của hợp đồng. Khi hợp đồng chấm dứt, các bên không phải tiếp tục thực hiện hợp nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp, phần nghĩa vụ đã thực hiện vẫn có giá trị với các bên, vì vậy bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
Trên đây là nội dung bài viết phân tích liên quan đến Đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu bạn đọc còn bất kì thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ thành lập công ty; liên hệ ngay LawKey để được tư vấn hỗ trợ thêm.