Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới việc làm phải thực hiện ký quỹ. Vốn ký quỹ là bao nhiêu? Quy định về quản lý ký quỹ như thế nào?

 Căn cứ pháp lý: Nghị định số 52/2014/NĐ-CP; Nghị định 140/2018/NĐ-CP.

Ký quỹ là gì?

Ký quỹ là một trong bảy biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại khoản 1, 2 điều 330 Bộ luật dân sự năm 2015. Việc ký quỹ thường được pháp luật quy định trong một số trường hợp cụ thể nhất định bên có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Cụ thể, theo điều 330 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

3. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ký quỹ và quản lý tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp được quy định như sau: 

  • Tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính (sau đây viết tắt là ngân hàng).

Doanh nghiệp thực hiện thủ tục nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định của ngân hàng và quy định của pháp luật.

Ngân hàng có trách nhiệm xác nhận tiền ký quỹ kinh doanh hoạt động dịch vụ việc làm cho doanh nghiệp.

  • Doanh nghiệp được hưởng lãi suất từ tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng.
  • Sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp, doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:

– Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm về việc doanh nghiệp không được cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép;

– Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm về việc doanh nghiệp nộp lại, bị thu hồi giấy phép.

  • Tiền ký quỹ được rút trong trường hợp nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm xác nhận về việc giải quyết rủi ro hoặc các khoản đền bù xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp.

Ngân hàng không được cho doanh nghiệp rút tiền ký quỹ khi chưa có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.

Trên đây là những thông tin về ký quỹ và quản lý tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp. Nếu bạn đọc còn bất kì thắc mắc nào hay nhu cầu sử dụng dịch vụ thành lập doanh nghiệp; liên hệ ngay LawKey để được tư vấn hỗ trợ.