Người lao động được cấp mã số bảo hiểm xã hội và sổ bảo hiểm xã hội để đáp ứng yêu cầu quản lý cơ sở dữ liệu. Trong quá trình sử dụng sổ thì xảy ra một vài vấn đề phổ biến. Dưới đây là một số vướng mắc về sổ bảo hiểm xã hội cần lưu ý.
Thanh toán bảo hiểm xã hội một lần khi mất sổ bảo hiểm xã hội
Người lao động muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần; thì phải nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội để được xem xét, giải quyết. Trong hồ sơ có sổ bảo hiểm xã hội nhưng không may bạn làm mất. Trong trường hợp này, bạn phải thực hiện các bước sau:
Bước 1: Xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
Người lao động bị mất sổ bảo hiểm xã hội thì chuẩn bị Tờ khai điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 888/QĐ-BHXH); đến cơ quan bảo hiểm xã hội để được xem xét và cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Sau khi được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội; người lao động tiến hành thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Hồ sơ bao gồm:
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Đơn đề nghị (theo mẫu số 14-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH).
3. Một số giấy tờ liên quan khác.
Cách xử lý khi thất lạc sổ bảo hiểm xã hội
Trong quá trình sử dụng sổ bảo hiểm xã hội thì việc thất lạc sổ xảy ra cũng khá là phổ biến. Pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động giải quyết vấn đề này.
Theo đó, khi bị thất lạc sổ, người lao động hoàn toàn có thể tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của mình tại địa chỉ:
https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx.
Bên cạnh đó; người lao động hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan bảo hiểm cấp lại sổ bảo hiểm cho mình khi không may bị thất lạc. Hồ sơ bao gồm: Tờ khai tham gia; điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT. (Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 888/QĐ-BHXH).
Người lao động có thể tự mình chốt sổ bảo hiểm hay không?
Thông thường, việc chốt sổ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, trong việc chốt sổ cho người lao động cũng thường xuyên gặp nhiều vướng mắc, mà phổ biến là việc doanh nghiệp trốn đóng hoặc đóng bảo hiểm không đầy đủ cho người lao động.
Theo đó, nếu doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp sẽ bị truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội và lãi chậm đóng. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chốt sổ bảo hiểm xã hội khi công ty đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định.
Khi đổi nơi làm việc thì có cần xin cấp sổ bảo hiểm mới không?
Nhiều người lao động vẫn nghĩ rằng; khi mình đến nơi làm việc mới thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cấp cho mình sổ mới để sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế; mỗi người lao động sẽ được cấp một mã số bảo hiểm xã hội duy nhất và việc cấp lại sổ mới chỉ diễn ra; nếu bạn bị mất, hư hỏng hay có sự thay đổi thông tin của người tham gia bảo hiểm.
Chính vì vậy, khi bạn thay đổi chỗ làm thì trước hết, công ty cũ sẽ tiến hành chốt sổ bảo hiểm và trả lại sổ cho bạn. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng sổ bảo hiểm đó để nộp cho công ty mới; và tiếp tục ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của mình; mà không cần cấp mới.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Một số vướng mắc về sổ bảo hiểm xã hội cần lưu ý” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào; bạn hãy liên hệ với LawKey để được hỗ trợ tư vấn.