Hiện nay các quy định kinh doanh nhà nghỉ khách sạn mới nhất 2019 sẽ tuân thủ theo pháp luật du lịch 2017 và Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Các hình thức kinh doanh dịch vụ lưu trú hiện nay:
Theo quy định của pháp luật tại khoản 22 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP bao gồm các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác (kinh doanh khách sạn theo giờ và nghỉ qua đêm) hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch. Theo đó, Điều 48 Luật Du lịch 2017 quy định các loại cơ sở lưu trú là:
- Khách sạn.
- Biệt thự du lịch.
- Căn hộ du lịch.
- Tàu thủy lưu trú du lịch.
- Nhà nghỉ du lịch.
- Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
- Bãi cắm trại du lịch.
- Các cơ sở lưu trú du lịch khác
Loại hình lưu trú cụ thể trong khách sạn và nhà nghỉ
Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết về từng loại hình lưu trú như trong đó khách sạn và nhà nghỉ đó là:
– Khách sạn: Cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.
- Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
- Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
- Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
- Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.
– Nhà nghỉ du lịch: Cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch.
Điểm chung và điểm khác biệt giữa nhà nghỉ – khách sạn
– Quy mô khách sạn và nhà nghỉ: Khách sạn được hiểu là công trình kiến trúc kiên cố, có nhiều tầng, phòng và trang thiết bị tiện nghi đầy đủ và có nhiều các dịch vụ bổ sung bên cạnh dịch vụ lưu trú và ăn uống. Thường khách sạn được hiểu là doanh nghiệp kinh doanh khách sạn được thành lập đăng ký kinh doanh theo quy định. Nghề kinh doanh nhà nghỉ hay được xem là nhà khách cùng có dịch vụ lưu trú nhưng quy mô kinh doanh nhà nghỉ nhỏ hơn khách sạn và tiện nghi kém nhưng lại có giá rẻ.
– Điều kiện kinh doanh khách sạn và nhà nghỉ: Điều kiện kinh doanh nhà nghỉ và khách sạn cũng có những khác nhau theo phân loại dịch vụ cũng như người quản lý, các yêu cầu về quản lý trật tự an ninh, môi trường khác biệt.
– Các thủ thủ tục đăng ký kinh doanh khách sạn và nhà nghỉ, vấn đề quy định về gia hạn hai loại hình dịch vụ lưu trú này cũng khác nhau.
Điều kiện về an ninh, trật tự
Quy định về điều kiện kinh doanh khách sạn nhà nghỉ cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an ninh trật tự theo Điều 7 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP đó là:
– Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đối với người Việt Nam:
- Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
- Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
+ Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài: Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.
Điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
– Có phương án đảm bảo an ninh trật tự theo quy định tại khoản 2 Điều 8 NĐ 96/2016/NĐ-CP: Xác định khu vực, địa bàn, mục tiêu cụ thể cần phải tăng cường để bảo đảm an ninh, trật tự;
- Biện pháp thực hiện;
- Lực lượng phục vụ thường xuyên;
- Phương tiện phục vụ;
- Biện pháp tổ chức, chỉ đạo;
- Biện pháp phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương mà cơ sở kinh doanh hoạt động;
- Tình huống giả định khi có vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra; công tác huy động lực lượng, phương tiện; biện pháp xử lý.
Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh nhà nghỉ khách sạn theo Luật Du lịch
Theo quy định thì bên cạnh điều kiện về kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì người kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn sẽ cần các điều kiện gì về dịch vụ lưu trú du lịch? Điều 49 Luật Du lịch có các quy định luật kinh doanh nhà nghỉ 2017 về điều kiện kinh doanh như sau:
- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch và được chính phủ quy định chi tiết.
Trong đó, điều kiện kinh doanh của từng loại hình lưu trú bao gồm có khách sạn và nhà nghỉ cụ thể từ Điều 22 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, cụ thể đối với khách sạn như sau:
Điều 22: Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật
- Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước.
- Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung.
- Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường.
- Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường.
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
- Người quản lý, nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
Điều 26: Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà nghỉ du lịch
- Có điện, nước sạch và hệ thống thoát nước.
- Có khu vực đón tiếp khách và phòng ngủ; có phòng tắm, phòng vệ sinh chung trong trường hợp phòng ngủ không có phòng tắm, vệ sinh riêng.
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
- Người quản lý, nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
Điều kiện về thông báo hoạt động kinh doanh nhà nghỉ khách sạn
Các quy định về kinh doanh nhà nghỉ còn có điều kiện về thông báo hoạt động kinh doanh trước khi hoạt động. Theo quy định tại Điều 29 NĐ 168/2017/NĐ-CP quy định: “Trước khi đi vào hoạt động chậm nhất 15 ngày, cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch về những nội dung sau:
a) Tên, loại hình, quy mô cơ sở lưu trú du lịch;
b) Địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật;
c) Cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại Điều 49 Luật Du lịch và Nghị định này.”
Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch sẽ căn cứ vào kế hoạch công tác được phê duyệt hoặc kiểm tra đột xuất cơ sở lưu trú xem có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch và có văn bản về kết quả kiểm tra trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra.
Nếu không đáp ứng điều kiện tối thiểu tương ứng với loại hình cơ sở lưu trú du lịch thì Sở yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.
Trong trường hợp cơ sở lưu trú nộp hồ sơ đề nghị xếp hạng cùng thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Du lịch kết hợp kiểm tra điều kiện tối thiểu và thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Trên đây là nội dung bài viết Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ của nhà nghỉ, khách sạn. Nếu bạn đọc còn bất kì thắc mắc nào; hãy liên hệ ngay LawKey để được tư vấn hỗ trợ thêm.