Vấn đề ủy quyền trong pháp luật dân sự một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện nay; quy định của Luật Dân sự về hợp đồng ủy quyền và tính pháp lý của các giao dịch ủy quyền

Căn cứ theo Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự định nghĩa: Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Điều 138 Bộ luật dân sự quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:

Điều 138. Đại diện theo ủy quyền

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Như vậy, từ những quy định trên có thể thấy pháp luật không hạn chế việc ủy quyền cho nhiều người trong cùng một văn bản, tuy nhiên, cần lưu ý về tư cách của cả người ủy quyền và người được ủy. Cụ thể:

– Đối với người ủy quyền: nội dung ủy quyền phải phù hợp với điều kiện chủ thể trong giao dịch, ví dụ: nội dung ủy quyền liên quan đến việc khai thác, định đoạt tài sản hoặc thực hiện một số công việc liên quan đến tài sản đó thì bên ủy quyền phải là chủ sở hữu tài sản ( hoặc người có quyền sử dụng tài sản hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật).

– Đối với bên được ủy quyền: phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Cụ thể, Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Trên đây là nội dung bài viết Những trường hợp nào được ủy quyền trong quan hệ dân sự. Nếu bạn đọc còn bất kì thắc mắc nào hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý; liên hệ ngay LawKey để được tư vấn hỗ trợ.