Trong một số dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan có thẩm quyền. Vậy các trường hợp nào phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ; trường hợp nào không cần đăng ký Giấy chứng nhận.

Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật đầu tư 2014, khi thuộc một trong các  trường hợp sau đây thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.

Tổ chức kinh tế thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.

Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật đầu tư 2014, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

– Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;

– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

– Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Lưu ý về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Đối với các dự án phải xin quyết định chủ trương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương trước, sau đó mới thực hiện dự án đầu tư.

Đối với hai trường hợp đầu tiên không phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu có nhu cầu thì vẫn được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

  1. Mã số dự án đầu tư.
  2. Tên, địa chỉ của nhà đầu tư.
  3. Tên dự án đầu tư.
  4. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng.
  5. Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
  6. Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
  7. Thời hạn hoạt động của dự án.
  8. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn.
  9. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
  10. Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).

Trên đây là bài viết Một số nội dung cần lưu ý về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hay nhu cầu sử dụng dịch vụ xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; bạn hãy liên hệ với LawKey để được hỗ trợ giải đáp.