Pháp luật Việt Nam quy định thành lập cơ sở kinh doanh kính thuốc, kính mắt, kính cận như thế nào? Bài viết sau của LawKey sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề trên.
1. Cơ sở pháp lý:
Luật doanh nghiệp 2014
Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp
Nghị định 109/2016/NĐ-CP hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề y và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh với các quy định về hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề y, giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Thành lập công ty
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, cá nhân, tổ chức có thể thành lập doanh nghiệp dưới các hình thức như sau. Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.
Thủ tục thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp và các bước thực hiện trên thực tế cần lưu ý như sau:
Thủ tục thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp
Người thành lập công ty hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ lên Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ hợp lệ. Nếu từ chối phải gửi thông báo nêu rõ lý do từ chối và yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Đây là thủ tục thành lập công ty theo luật Doanh nghiệp. Trên thực tế phải thực hiện nộp hồ sơ online rồi mới nộp hồ sơ giấy.
Hồ sơ thành lập công ty
Tuỳ theo loại hình công ty bạn định thành lập, mà hồ sơ sẽ tương ứng có những điểm khác biệt. Tuy nhiên một bộ hồ sơ chuẩn bao gồm:
- Đơn đăng ký thành lập.
- Điều lệ chuẩn công ty.
- Danh sách thành viên, cổ đông sáng lập.
- Giấy tờ sao y chứng thực: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu nếu thành viên sáng lập là cá nhân. Đăng ký kinh doanh nếu thành viên sáng lập là tổ chức.
3. Xin Giấy phép đủ điều kiện hoạt động kinh doanh cơ sở dịch vụ kính thuốc
Trước hết, quý khách hàng cần chuẩn bị các điều kiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định 109/2016/NĐ-CP:
Điều 36. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc
1. Cơ sở vật chất:
a) Địa điểm cố định, có đủ ánh sáng, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình;
b) Cơ sở có diện tích ít nhất là 15 m2;
c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện vệ sinh khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.
2. Thiết bị y tế:
Có đủ dụng cụ, thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đã đăng ký.
3. Nhân sự:
a) Người hành nghề tại cơ sở dịch vụ kính thuốc phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phạm vi hành nghề chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc:
– Trình độ trung cấp y trở lên được cấp chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt;
– Có thời gian hành nghề chuyên khoa mắt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt tại cơ sở dịch vụ kính thuốc ít nhất là 36 tháng.
– Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở dịch vụ kính thuốc;
Sau khi chuẩn bị đủ điều kiện trên, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ nộp lên cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 Nghị định 109/2016/NĐ-CP:
Điều 42. Thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh.
2. Giám đốc Sở Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/ NĐ-CP;
– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/ NĐ-CP;
– Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định số 109/2016/ NĐ-CP;
– Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với điều kiện theo quy định tại điều 36 ở trên;
– Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
Trên đây là nội dung bài viết Quy định về thành lập cơ sở kinh doanh kính thuốc, kính mắt, kính cận. Nếu bạn đọc còn bất kì thắc mắc nào.; liên hệ ngay LawKey để được tư vấn hỗ trợ thêm.