Thuế môn bài hay lệ phí môn bài là loại thuế phí mà doanh nghiệp phải nộp hàng năm. Vậy làm thế nào để phân biệt hai loại thuế phí trên và mức nộp là bao nhiêu. Bài viết sau của LawKey xin làm rõ vấn đề trên.
Thuế môn bài
Thuế môn bài là gì? Các đối tượng nộp thuế môn bài và các mức thuế phải nộp.
Thuế môn bài là gì
Thuế môn bài được quy định lần đầu tiên tại Pháp lệnh sửa đổi một số điều về thuế Công thương nghiệp của Hội đồng nhà nước ngày 26 tháng 2 năm 1983. Cụ thể, Điều 1 của pháp lệnh này sửa đổi Điều 3 của Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo Nghị quyết số 200 NQ/TVQH ngày 18 tháng 1 năm 1966 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Chi tiết quy định ” Thuế công thương nghiệp nói trong Điều lệ này gồm có thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế buôn chuyến và thuế môn bài……. Các tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn từng chuyến hàng đều phải nộp thuế môn bài”.
Đối tượng nộp thuế môn bài
Đối tượng nộp thuế ban đầu là: tất cả các hợp tác xã, tổ chức hợp tác và hộ riêng lẻ sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, làm nghề vận tải, nghề kiến trúc, kinh doanh ngành phục vụ, ngành ăn uống, ngành thương nghiệp và kinh doanh nông nghiệp mà điều lệ thuế nông nghiệp hiện hành quy định không phải nộp thuế nông nghiệp. Sau đó, Hội đồng Nhà nước ban hành Quyết định số 473/NQ-HĐNN8 về thuế môn bài và thuế sát sinh. Quy định đối tượng nộp thuế môn bài bao gồm cả tổ chức kinh tế quốc doanh. Các quy định này vẫn còn hiệu lực cho đến nay.
Mức thuế môn bài hiện nay
Hiện nay mức thuế môn bài được quy định tại Nghị định số 75/2002/NĐ-CP và được hướng dẫn tại thông tư số 96/2002/TT-BTC, thông tư số 42/2003/TT-BTC. Tùy thuộc vào đối tượng nộp thuế môn bài là tổ chức kinh tế hay hộ kinh doanh cá thể và các đối tượng khác mà áp dụng các biểu thuế khác nhau.
Thuế môn bài công ty và các tổ chức kinh tế căn cứ vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo biểu như sau:
Đơn vị: đồng
BẬC THUẾ MÔN BÀI | VỐN ĐĂNG KÝ | MỨC THUẾ MÔN BÀI CẢ NĂM |
– Bậc 1 | Trên 10 tỷ | 3.000.000 |
– Bậc 2 | Từ 5 tỷ đến 10 tỷ | 2.000.000 |
– Bậc 3 | Từ 2 tỷ đến dưới 5 tỷ | 1.500.000 |
– Bậc 4 | Dưới 2 tỷ | 1.000.000 |
Thuế môn bài hộ kinh doanh cá thể và các đối tượng khác nộp thuế Môn bài theo 6 mức bao gồm
Đơn vị: đồng
Bậc thuế | Thu nhập 1 tháng | Mức thuế cả năm |
1 | Trên 1.500.000 | 1.000.000 |
2 | Trên 1.000.000 đến 1.500.000 | 750.000 |
3 | Trên 750.000 đến 1.000.000 | 500.000 |
4 | Trên 500.000 đến 750.000 | 300.000 |
5 | Trên 300.000 đến 500.000 | 100.000 |
6 | Bằng hoặc thấp hơn 300.000 | 50.000 |
Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài được quy định trong luật Phí và lệ phí mới năm 2017.
Quy định mới về lệ phí môn bài
Luật phí và lệ phí đã được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Danh mục các loại phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí đã bao gồm lệ phí môn bài thay cho thuế môn bài hiện nay.
Căn cứ vào luật phí và lệ phí, ngày 04/10/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về Lệ phí Môn bài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Theo đó, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành những văn bản sau hết hiệu lực:
– Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức thuế môn bài.
– Điều 18 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế hết hiệu lực thi hành.
Ngoài ra Chính phủ còn ban hành thêm Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài.
Lệ phí môn bài thay thế thuế môn bài
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2017, ”Thuế môn bài” hiện nay sẽ được thay thế bằng ”Lệ phí môn bài”. Đối tượng nộp lệ phí môn bài vẫn bao gồm các phần kinh tế như trước đây:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;
– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
– Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh;
– Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức này (nếu có);
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các đối tượng được miễn lệ phí môn bài với phạm vi rộng hơn các đối tượng được miễn Thuế môn bài trước đây tại Điều 3 của Nghị định.
Mức thu lệ phí môn bài
Về mức thu lệ phí môn bài kể từ ngày 01/01/2017, được quy định như sau:
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
– Doanh nghiệp, tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
– Doanh nghiệp, tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
– Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định như trên căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi thành lập doanh nghiệp. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Lệ phí môn bài được nộp khi thực hiện thủ tục thuế lần đầu sau khi doanh nghiệp, tổ chức thành lập và đầu năm tài chính mới đối với nghiệp vụ kế toán thuế.
Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Tuy nhiên kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2020, theo Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài: Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
– Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
– Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Trên đây là một số quy định của pháp luật về Thuế môn bài và Lệ phí môn bài. Nếu có vấn đề gì mà bạn đọc chưa hiểu rõ; hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website để được giải đáp.