Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định về vấn đề ủy thác đầu tư chứng khoán qua Thông tư 30/2014/TT-NHNN về ủy thác và nhận ủy thác tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Và khung pháp lý chưa cụ thể về vấn đề ủy thác đầu tư. Bài viết sau của LawKey sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Sự khác nhau giữa Hợp đồng ủy quyền và Hợp đồng uỷ thác
Hai loại hợp đồng này có sự khác nhau về chủ thể, phạm vi, thủ tục và các trường hợp thực hiện.
Việc ủy quyền được quy định tại Bộ luật Dân sự, còn Hợp đồng ủy thác được quy định tại Luật thương mại.
Việc Ủy quyền có cách hiểu rất rộng: Có thể là ủy quyền thực hiện vụ việc dân sự (ủy quyền dân sự) hoặc ủy quyền giữa cá nhân với cá nhân, giữa tổ chức, pháp nhân cho cá nhân trong thương mại… Còn đối với việc ủy thác theo luật Thương mại thì chỉ liên quan đến mua bán hàng hóa.
Nhiều người khó phân biệt Hợp đồng ủy quyền giữa pháp nhân với pháp nhân (Đại diện cho thương nhân theo Luật Thương Mại) và Hợp đồng ủy thác theo Luật thương Mại. Sau đây là những điểm khác nhau cơ bản giữa các hợp đồng này là:
* Về chủ thể hợp đồng:
– Hợp đồng ủy quyền (Hợp đồng ủy nhiệm/Hợp đồng đại diện): Cả hai chủ thể là bên giao đại diện, ủy quyền và bên đại diện, nhận ủy quyền đều phải là thương nhân (có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với các công việc được ủy quyền)
– Hợp đồng ủy thác: Chỉ cần một bên (Bên nhận ủy thác) bắt buộc là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác. Còn Bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân.
* Về tư cách giao dịch đối với bên thứ ba:
– Hợp đồng ủy quyền: Bên nhận ủy quyền/bên đại diện thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của Bên ủy quyền/bên giao đại diện.
– Hợp đồng ủy thác: Bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình mà không phải của bên ủy thác.
* Về trách nhiệm với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hành vi thương mại:
– Hợp đồng ủy quyền: Bên chịu trách nhiệm cuối cùng với bên thứ ba là bên Ủy quyền, bên giao đại diện
– Hợp đồng ủy thác: Bên nhận ủy thác/nhận ủy quyền phải chịu trách nhiệm đối với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng với bên đó. Bên ủy thác chịu trách nhiệm liên đới nếu có lỗi của mình.
2. Về Uỷ thác đầu tư (uỷ thác nhận vốn đầu tư):
Như đã nêu trên, hợp đồng uỷ thác theo Luật Thương mại liên quan đến việc mua bán hàng hoá. Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý về quan hệ uỷ thác nói chung, uỷ thác đầu tư nói riêng.
Trên thực tế hiện nay, khi ủy thác đầu tư, bên giao vốn gọi là bên ủy thác, bên nhận vốn gọi là bên nhận ủy thác. Nội dung cơ bản của hợp đồng ủy thác đầu tư là bên nhận ủy thác sẽ nhân danh bản thân mình thực hiện các hoạt động đầu tư và nhận khoản phí ủy thác, bên ủy thác phải trả phí và chịu mọi rủi ro về kết quả thực hiện hoạt động đầu tư.
Thông thường các bên ký kết các điều khoản trong hợp đồng do bên nhận uỷ thác soạn sẵn, có lợi cho bên này. Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thì sẽ căn cứ các quy định của hợp đồng và áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Bởi thế, bên ủy thác sẽ bất lợi và thiệt thòi vì pháp luật không có các quy định bảo vệ họ trong các quan hệ này.
Cần lưu ý rằng, uỷ thác đầu tư (nhận vốn đầu tư) thuộc hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Theo quy định hiện hành chỉ có các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư.
Là nhà đầu tư uỷ thác (giao vốn đầu tư) bạn cần xem xét ký lưỡng tư cách pháp nhân của doanh nghiệp X., cần kiểm tra ngành nghề đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ, năng lực, hoạt động kinh doanh … để phòng tránh những tranh chấp hợp đồng và hậu hoạ sau này.
Trước khi quyết định uỷ thác đầu tư bạn cần hiểu rằng việc đầu tư phải lúc nào cũng có sinh lời và không dễ đạt được mức lợi nhuận quy định trong hợp đồng. Với mức lãi khủng 3% tháng (tương đương 36%/năm), theo thông tin của bạn, trong tình hình kinh tế hiện nay, khó có kênh đầu tư hợp pháp nào có thể mang lại lợi nhuận cao như vậy.
Ngoài ra, bạn có nguy cơ trắng tay, trở thành chủ nợ trong trường hợp bên nhận ủy thác phá sản. Chưa kể các trường hợp bên nhận ủy thác có các hành vi chiếm dụng vốn, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm… thì rủi ro là không lường!
Trên đây là bài viết Ủy thác đầu tư và rủi ro pháp lý khi ký hợp đồng uỷ thác đầu tư. Nếu bạn đọc còn bất kì thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý; liên hệ ngay LawKey để được tư vấn hỗ trợ.