Nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ cần lưu ý quy định về quản lý doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp theo nghị định số 68/2017/NĐ-CP và trình tự thủ tục đăng ký đầu tư áp dụng cho việc thuê đất hoặc nhà xưởng trong cụm công nghiệp theo nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Lĩnh vực đầu tư kinh doanh được phép triển khai trong cụm công nghiệp

Điều 3 nghị định 68/2017/NĐ-CP quy định Lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp

Lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp:

a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác cần di dời vào cụm công nghiệp;

b) Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn;

c) Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ ban hành;

d) Sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động ở địa phương;

đ) Các ngành, nghề, sản phẩm có thể mạnh của địa phương, vùng và các lĩnh vực, ngành, nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương;

e) Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này được ưu tiên xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Song song đó theo quan điểm của cơ quan quản lý đầu tư các tỉnh thì xuất phát từ khái niệm cụm công nghiệp ghi nhận tại điều 2 nghị định 68 “Cụm công nghiệp là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.” thì chỉ cấp phép các hoạt động liên quan đến sản xuất, gia công, dịch vụ cho sản xuất khi doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đăng ký đầu tư. Các mục tiêu như thực hiện quyền phân phối hàng hóa cơ quan quản lý sẽ từ chối cấp phép, đối với các doanh nghiệp đã đăng ký ngành nghề nói trên thì được yêu cầu hoạt động kinh doanh không gắn với thành lập cơ sở bán buôn, bán lẻ trong cụm công nghiệp đồng thời điều chỉnh bỏ mục tiêu trong dự án đầu tư.

Ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp

Ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp

Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

  1. Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
  2. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

  1. Phạm vi, đối tượng, nội dung, định mức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp phục vụ di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cụm công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc địa bàn không có khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật thực hiện theo Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được phê duyệt trong từng giai đoạn.
  2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn.

Hỗ trợ hoạt động phát triển cụm công nghiệp

1. Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương thực hiện gồm:

a) Điều tra, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu; tổ chức hội nghị, hội thảo, phối hợp xúc tiến đầu tư; thông tin tuyên truyền, in ấn, xuất bản tài liệu; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, chính sách về cụm công nghiệp;

b) Khảo sát, đánh giá, xây dựng chính sách, mô hình quản lý, kinh nghiệm phát triển cụm công nghiệp ở trong và ngoài nước.

Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp do địa phương thực hiện gồm:

a) Hoạt động phát triển cụm công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; điều tra, khảo sát các tổ chức, cá nhân có nhu cầu di dời, đầu tư vào cụm công nghiệp; lập, thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp; hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cụm công nghiệp;

c) Hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong cụm công nghiệp.

2. Kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp là nguồn kinh phí sự nghiệp; được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Các bước thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Đối với doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện thủ tục thành lập công ty trước khi tiến hành xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đối với công ty có vốn nước ngoài thì ngược lại bởi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là căn cứ để Phòng đăng ký kinh doanh chấp thuận hồ sơ thành lập công ty của nhà đầu tư. Như vậy với tư cách là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài nội dung công việc sẽ bao gồm 02 bước đó là thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ bao gồm

  1. Xin quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thuê đất trực tiếp.
  2. Thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường hoặc lập bản cam kết kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND cấp quận huyện thông qua.
  3. Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trên đây là nội dung bài viết Xin cấp giấy chứng nhận đầu tư trong cụm công nghiệp. Nếu bạn đọc còn bất kì thắc mắc nào hay nhu cầu sử dụng dịch vụ thành lập doanh nghiệp; liên hệ  LawKey để được tư vấn hỗ trợ thêm.