Chỉ dẫn địa lý là một trong bảy đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên chủ sở hữu của các đối tượng này không phải đều giống nhau. Vậy chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý là cá nhân hay tổ chức?

Khái niệm về chỉ dẫn địa lý

Căn cứ vào Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ”.

Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định. Đồng thời được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Một số chỉ dẫn được bảo hộ tại Việt Nam như vải thiều Thanh Hà, nước mắm Phú Quốc,…Hiện nay để tìm các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bạn chỉ cần vào trang của Cục Sở hữu trí tuệ để tìm hiểu.

Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật

Nhiều người cho rằng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ sẽ do một tổ chức hay cá nhân nào đó tại địa điểm có chỉ dẫn sở hữu. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì điều đó không chính xác.

Theo khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 thì chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước.

Các cá nhân, tổ chức chỉ là đại diện được Nhà nước trao quyền. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, không giống với chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp khác là các cá nhân, tổ chức cụ thể. Chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý chỉ có Nhà nước.

Chủ thể có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

Ngoài là chủ sở hữu, Nhà nước còn là chủ thể có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

Thời hạn bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Vì là đối tượng sở hữu công nghiệp đặc biệt và người nắm quyền sở hữu là Nhà nước nên thời hạn bảo hộ của chỉ dẫn địa lý là vô thời hạn. Trong khi các đối tượng sở hữu công nghiệp khác có thời hạn bảo hộ ngắn hơn. Ví dụ văn bằng bảo hộ sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

Không phải chủ sở hữu thì có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý không?

Cá nhân, tổ chức sản xuất/kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trong khu vực địa lý tương ứng được coi là chủ thể có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng không đồng nghĩa được sở hữu chỉ dẫn địa lý.

Theo quy định pháp luật hiện hành, có 3 hành vi được coi là sử dụng chỉ dẫn địa lý. Cụ thể:

Một là, Gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh.

Hai là, Lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán hàng hóa có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Ba là, Nhập khẩu hàng hóa có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Bài viết trên đã tổng hợp một số thông tin pháp luật liên quan đến chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc gì có thể liên hệ trực tiếp với công ty Luật Lawkey qua số hotline 1900.25.25.11 để được tư vấn rõ hơn.