Hoạt động đối thoại tại nơi làm việc, thương lập tập thể và thỏa ước tập thể có bắt buộc? Theo pháp luật hiện hành nếu không đối thoại liệu có bị xử phạt hay không?

Đối thoại tại nơi làm việc

Theo Khoản 1 Điều 63 Bộ luật lao động 2019: “Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luậntrao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi”.

Dựa vào quy định pháp luật hiện hành, đối thoại tại nơi làm việc là hoạt động mang tính bắt buộc bởi vì:

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 63 Bộ luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại làm việc trong trường hợp sau:

Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;

Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.

Như vậy, về cơ bản, người sử dụng hàng năm đều phải tổ chức đối thoại một lần. Ngoài ra, Điều 14 Nghị định 28/2020/NĐ-CP có quy định xử phạt nếu có hành vi vi phạm quy định về vấn đề đối thoại này.

Thương lượng tập thể

Thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (Điều 65 Bộ luật lao động 2019).

Trái lại với đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể không có tính chất bắt buộc. Bởi vì, về nguyên tắc, thương lượng tập thể được tiến hành theo một cách tự nguyện, thiện chí. Người sử dụng lao động và người lao động có thể tổ chức thương lượng nếu có nội dung cần phần thương lượng quy định tại Điều 67 Bộ luật lao động 2019.

Thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.

Cũng giống với thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể không có tính bắt buộc. Nguyên nhân xuất phát từ bản chất của thỏa ước vốn là kết quả của thương lượng thành công. Do đó phải có thương lượng tập thể thì mới có thỏa ước lao động tập thể.

Đồng thời Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động cũng không có quy định xử phạt nào đối với trường hợp người sử dụng lao động không tiến hành thỏa ước lao động tập thể.

Như vậy chỉ có đối thoại tại nơi làm việc mang tính bắt buộc. Còn thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể không bắt buộc đối với người sử dụng lao động và người lao động.

Bài viết trên là một số thông tin liên quan đến vấn đề đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng và thỏa ước lao động tập thể. Nếu bạn đọc có bất cứ băn khoăn, thắc mắc nào liên quan vấn đề này có thể liên hệ với Công ty Luật Lawkey qua số hotline 1900.25.25.11.